Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Chiều trên Ô Cấp


Gió lay - Lá rơi - Rơi...
Cây khô - Tàn khô - Đợi...

























Song thưa hoen ố vệt thời gian, vẫn chưa gặp cánh buồm đỏ thắm

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

"Hãy để ngày ấy lụi tàn"


Tặng Hồ Thị Ghim!
Hãy quên đi những điêu tàn xưa cũ. Ngoài kia, trời vẫn đỏ một vầng dương.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Về gần khúc eo Tổ quốc.




Ngày 20/2
 Bốn giờ! Cánh cổng khép lại sau lưng, màn đêm vẫn bao trùm trước mặt. Mụ hít lấy hít để không khí trong lành buổi sớm, lơ đãng ngó quanh… Một ánh đèn pha quét qua và chiếc taxi đỗ lại. Thật chính xác cho một cuộc hẹn, cho một chuyến phượt 4 ngày về khúc eo Tổ quốc: Lý Sơn - Quảng Ngãi. 
 
Máy bay cất cánh rồi hạ cánh. Tiếp viên thông báo: nhiệt độ ở địa phương đang là 18. Hai chị em nhìn nhau cười. Khi đi cứ nghĩ lúc về sẽ đen thui vì nắng gió miền Trung nên chẳng ai chuẩn bị đồ lạnh ngoài chiếc áo khoác mỏng manh. Kệ! Tới đâu tính tới đó, biết đâu chỉ lạnh có nửa ngày. Cũng lạ! Dạo này mụ thờ ơ với nhiều thứ quá, như chuyến đi này: không một chút háo hức, không rộn ràng chuẩn bị, cũng không từ bỏ. Đến thì đi. Thế thôi! Chắc mụ đang chết từ từ.






Đã 9 giờ mà Đà Nẵng không một chút nắng. Cảm giác đầu tiên chính là sự tĩnh lặng, sạch sẽ và lòng bỗng vui hơn khi làm thủ tục thuê một con ngựa sắt: Niềm nở, ân cần, chuyên nghiệp là những mỹ từ mụ muốn dành cho họ. Không như ở Hà Giang, Lào Cai hay Yên Bái…nghĩ lại vẫn cảm thấy phiền. Hỏi thăm chỗ bán mì Quảng được cho là ngon nhất (Số 1A Hải Phòng): Sơi mì cọng vuông màu gạo, thịt vịt, thịt heo, đậu phông, rau thơm trộn lẫn với một chút nước sệt sệt có lẽ được pha chế bằng tôm bằm, thêm một chút sa tế, một ít ớt xanh, một ít bánh đa bẻ vụn và chẹp chẹp…Tạm được vì khó nói mì Quảng thế nào là ngon, mụ ăn 5 lần là 5 vị khác nhau, cái còn lại chính là ý thích của mỗi người.














 Đà Nẵng không nắng


Trời vẫn chưa nắng. Hai chị em cố tình chờ vì muốn chụp vài tấm ở đây.  Vào café vậy, một quán xinh xinh ngay vòng xoay của thành phố…Café cũng giống những lần phượt khác: mằn mặn và thơm thơm mùi khét. Haizz! Ngắm thiên hạ qua lại để bù trừ. Ngộ thiệt! Người ta đi từ từ nhưng không dừng lại, đôi khi như rối vào nhau…Sau này mới biết đa số các giao lộ vào thời điểm ấy đều để đèn vàng.


























Mười giờ, đã có một chút nắng. Rất lạnh nhưng hai đứa vẫn đảo một vòng: Cầu quay, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý…thi nhau bắc qua sông Hàn. Nhiều cầu thế nhưng từ một góc nhất định mụ vẫn thấy được nét hài hòa của thành phố vừa có núi, có sông, có bầu trời mênh mông và có cả trùng dương bão táp. Mây cũng đang xám xịt và sóng vỗ trắng bờ…Thời tiết thật dễ chịu với dân phượt nhưng lại làm khó cho dân nhiếp ảnh! Phải chấp nhận thôi, biết đâu chừng cái ánh sáng buồn này lại cho ra một tấm ảnh lạ.

Mười hai giờ, khởi hành vào Quảng Ngãi sau bữa trưa với thịt heo cuốn bánh tráng chấm mắm cái. Cũng là món đặc sản nổi tiếng nhưng nghe sao nhạt thếch…Đi thôi!


Ở góc này, cầu Rồng có hậu cảnh là cầu Trần Thị Lý trông như cái cánh đang bay




Xe bon nhanh qua Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành…của Quảng Nam và khoảng 17giờ thì tới Quảng Ngãi. Từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi chỉ khoảng 130 cây số nhưng hai chị em vừa đi vừa nghỉ, lại chạy chậm vì quốc lộ nhiều xe và nhất là vì lạnh nên hơi lâu. Trời ơi sao mà lạnh! Lần đầu tiên cảm nhận cái lạnh đến buốt óc, đau răng là như thế nào, vậy mà vẫn ương bướng không chịu ghé vào đâu đó mua thêm áo. Thương thằng em làm tài, nó cũng không trang bị đồ ấm như mụ mà còn phải gánh gió gánh bụi, phải căng mắt dể tránh xe, nhìn đường.

Châu Ổ, Bình Sơn…Đó là những địa danh mụ loáng thoáng nhìn qua khi vào đến Quảng Ngãi. Quảng Nam và Quảng Ngãi dường như có dáng vẻ giống nhau: Đường thì đang sửa để mở rộng quốc lộ, nhà hai bên thì thưa thớt, núi nhìn từ đường cũng chỉ vài ngọn và đồng ruộng tuy không bát ngát như miền Tây nhưng cũng đang trổ màu xanh ngắt. Cái lạ của những cánh đồng ở đây chính là bù nhìn, rất nhiều, gần như phủ kín mặt ruộng. Bù nhìn không bằng rơm rạ, đơn giản chỉ là những túi nylon đủ sắc đang phần phật khoe màu trước gió. Có lẽ do chim cò nhiều quá, có lúc trắng cả cánh đồng.

Đến trung tâm Quảng Ngãi thì màn đêm đã xập xuống. Cái lạnh làm quáng, không còn thời gian để ngắm nghía gì nữa, chỉ cắm đầu tìm chỗ nghỉ. Bụng thì đói meo nên cũng chẳng còn hơi sức lựa chọn món địa phương, hai đứa nhào đại vào một quán hủ tíu và trời ơi, cái món mụ chúa ghét đêm nay sao ngon kỳ ngon lạ.



Ngày 21/2
 Không kịp ăn sáng vì phải ra cảng Sa Kỳ cho kịp chuyến tàu đi Lý Sơn. Tàu này mỗi ngày chỉ có một chuyến khởi hành lúc 8 giờ hoặc sớm hơn nếu khách đông. Nói chung là chẳng có giờ chính xác nên cần có mặt sớm dù chưa chắc đã đi được vì sáng nay nhà đài mới báo là biển động, gió lớn, sóng cao…Hai chị em thống nhất sẽ không đùa với nguy hiểm, nếu không đi được sẽ khám phá Quảng Ngãi 1 ngày rồi về Đà Nẵng sớm.
 
Cảng Sa Kỳ! Biển động mà người vẫn lố nhố tranh nhau mua vé. Chả là có một đoàn đông người đi tham quan mà. Mụ cũng ngồi chờ và đến lượt mình thì hết vé. Nhân viên cảng gợi ý mua vé tàu gỗ. Tàu cao tốc đi khoảng 1giờ15p, tàu gỗ đi khoảng 2giờ30p nhưng êm hơn. Thì đi. Nghĩ lại 2 chị em thật buồn cười. Biển vẫn động, chuyện không an toàn vẫn có thể xảy ra vậy mà lúc ấy cố tình quên hết, chỉ chăm chăm lấy được vé ra biển. Đó là cái gì? Xu hướng hám của hiếm cho dù cái giá không đáng để trả? 

Thêm một chuyện nữa về chữ “Lách”. Anh soát vé vào cửa bảo: Khách du lịch phải không? Lên tàu cao tốc đi, tui cho phép. Rồi tiền bạc sao? Lên tàu trả. Lên tàu, bị chỉ ngay xuống phòng thủy thủ. Biết ngay mà! Thôi kệ! Lát nữa tàu chạy thì leo lên, còn hơn phải ngồi tàu gỗ mất hơn hai tiếng.

Tàu chạy, mụ cũng chạy tới chạy lui giữa lòng tàu tìm chỗ dựa lưng. May quá có vài cậu thích leo lên boong và mụ mượn đại cái chỗ. Tàu chạy, giữa biển khơi sóng vỗ đàn ông đàn bà trẻ con thi nhau nôn ọe. Mụ nhộn nhạo, cái nhộn nhạo như lần đi Côn Đảo cách nay hơn 30 năm. Giống y hệt: lắc lư đến chóng mặt và ruột gan như những con sóng trào lên rút xuống trong bụng. Cố lên, cố lên! Chỉ hơn 1 tiếng thôi, không như ngày xưa phải chịu cả đêm...Thôi, cứ xin cái túi nylon cho chắc. 

Sóng vẫn cao và tàu cao tốc nghẹt cứng người. Mụ đưa mắt tìm áo phao, nó được xếp dài theo khe tàu. Đáng lẽ họ phải cho mình mặc trước chứ nhỉ?! Mà có mặc thì làm sao chen ra? Chà! Chết vì bị dẫm đạp trước khi bị chết ngộp là cái chắc. Xót cho thằng em! Nó đứng tuốt ngoài kia và mặt chắc cũng xanh lè. Sao nó không can mình xuống tàu nhỉ. Nó chiều mình hay nó cũng muốn phiêu lưu?

                       

                        Hòn Mù Cu và ngọn Hải đăng không ghé được do biển động



Tàu cập bến. Bến tàu ở đảo nhỏ, lộn xộn kẻ đưa người đón í ới gọi nhau. Gió biển bớt gầm gào nhưng lại nặng mùi tanh của cá, hơi khó ngửi nhưng vẫn dễ chịu hơn ngồi tàu. Xe được đưa lên và 2 chị em tiếp tục cuộc hành trình. Trong chuyến đi này, đây là lần đầu tiên mụ cảm thấy háo hức.

Đảo nhỏ, đường nhỏ, ruộng nhỏ và trồng toàn tỏi. Lúc mới từ bến vào mụ đã thấy ngay mùi tỏi nhưng đi được khoảng 500m thì không thấy mùi gì nữa. Tại quen mũi hay tại ở đây tỏi nổi tiếng không hăng, không cay? Khách sạn rất ít, chủ yếu là nhà nghỉ. Chọn cái khách sạn nổi tiếng nhất đảo thì cũng tuềnh toàng và chỉ 17giờ mới có điện đến sáng. Ở đây chẳng nấu nướng gì, may mà khách sạn đang có đoàn nên được nấu ké buổi trưa. 

Lúc này mới 10 giờ và cả hai chưa có gì bỏ bụng. Đói quá! Đi ngược đi xuôi cũng chẳng ai còn gì để bán. Ngang qua một trường học thấy có anh chàng bán cá viên chiên nên mua đại 10 xâu. Trời đất ơi! Ở Saigon dứt khoát không ăn thứ này vì toàn bột trộn với vụn cá ươn vớ vẩn vậy mà ở đây vội vội để ăn. Gió lạnh, cá viên nóng chấm tương ớt cộng với cái đói đang cồn cào…Cũng tuyệt! Và tuyệt hơn nữa chính là những món ăn ở Lý Sơn. Buổi trưa hôm ấy hai đứa được ăn gỏi tỏi, đơn giản chỉ là những củ tỏi tươi còn một ít lá trộn chua ngọt với đậu phộng, rau húng lũi nhưng vị lạ. Thịt cá dóc nấu canh ngót vừa ngọt vừa béo. Mực trắng phau tươi dòn bên cạnh những cọng hành xanh ngắt và ốc giác xào sa tế với xả. Nếu nói về ốc thì cũng không thể quên bữa chiều ở quán cây bàng sát biển. Chiều hôm ấy quán vắng. Vài cành bàng lưa thưa lá cũng đang rét run vì lạnh. Hai chị em co ro ngồi chờ thưởng thức đặc sản Lý Sơn mà ước gì có mặt trời tham dự. Uống một ngụm rượu cay trong tiết trời lạnh giá, nhấm một chút mồi và ngắm hoàng hôn trên biển…Chà! Vậy mà thằng em hiền khô không chịu uống rượu, nó lắc đầu với Votka và rượu tỏi còn ông mặt trời thì trốn mãi chẳng thấy đâu. Thôi! Tận hưởng những cái đang có vậy. Một dĩa ốc luộc bốc khói đang ra kìa: ốc cừ, ốc giáp, ốc bàn tay, ốc đuộn…Ốc đã được chủ quán gỡ ra khỏi vỏ, mụ chỉ việc cầm cái xiên và đưa vào miệng: sừn sựt, ngòn ngọt, bùi bùi với mùi thơm của biển cộng với một chút cay của tiêu, một chút mặn của muối hột, một ít lá răm…Chưa bao giờ mụ thấy ốc luộc lại hấp dẫn  đến thế. Phải chăng vì ốc xứ này vừa tươi vừa lạ? Một món khác mà mụ mới lần đầu tiên ăn trong đời chính là bắp nướng mắm cái. Quả bắp màu vàng nhạt, càng nướng màu càng sậm thêm và khi đã đủ độ chín thơm người ta thoa mắm cái khắp quả bắp rồi nướng lại lần nữa. Gió vẫn thốc từng cơn cho than rực đỏ, người mua xúm xít chung quanh như để chia một chút ấm ven đường và thằng em đứng đấy, suýt xoa cạp ngay một miếng. Mụ cũng thử: hột bắp thơm, mềm trộn lẫn với vị mặn, bùi, cay của mắm cái…Ngon và đậm đà hương vị biển! Hèn gì người mua khá đông và thằng em còn muốn ăn quả nữa.


Lý Sơn gồm đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Biển không yên nên chị em mụ chỉ ở đảo Lớn. Đảo tên Lớn nhưng lại rất nhỏ, đi một vòng quanh đảo bằng xe gắn máy chỉ mất một giờ. Lang thang cho hết buổi chiều vậy. Từ chùa Đục với tượng Phật Bà nhìn ra biển đến chùa Hang trên ngọn núi Thới Lới, ngang qua những cánh đồng tỏi giống như những ruộng lúa còn non, gốc xanh mà ngọn vàng. Một con đường beton rộng, có lẽ sắp hoàn thành trải dọc theo bờ đảo tạo sự thông thoáng, hiện đại. Chỉ tiếc là bờ kè xây cao quá, làm chắn mắt nhìn ra biển cả bao la. Ấn tượng nhất với mụ chính là con đường lên đỉnh Thới lới: Từ những lối nhỏ quanh ruộng tỏi đi lên, quanh co rồi quanh co cao dần. Một khe biển hiện ra, mụ tranh thủ chụp vài tấm hình nhưng có lẽ nhòe hết. Gió phần phật như đang đẩy mụ xuống vực thế kia thì tay nào không rung. Vực không nhiều, không sâu. Cây trong vực không cao nhưng xanh rì, nổi bật trên nền vách đá màu nâu đen nham thạch, dấu tích của một thời núi lửa còn dâng trào... và dưới đáy vực chính là biển Lý Sơn biêng biếc một màu xanh ngọc bích. Chiều biển động, từng đợt sóng lớn xô nhau tạo bọt trắng ngần, hết lớp này đến lớp khác với đủ kiểu dáng. Màu ngọc bích đẹp tuyệt chính là lúc sóng bắt đầu nhô lên ở mức đỉnh, rất xanh và sáng…rồi đổ xuống, tạo bọt, tan đi…Uhm! Chết ở lúc huy hoàng, có lẽ, sẽ để người ta nuối tiếc nhất. Phải không?

 Chùa Đục ở đầu đảo











 Ai đó...thích lang thang











 Dưới chân vực












Thằng em tuy mệt nhưng vẫn còn hưng phấn lắm.










 
 Màu xanh ngọc bích








Dưới lòng biển cạn










Còn bé nhưng đã thích ngắm bọt biển











 Dốc lên núi Thới Lới













 Chăm sóc ruộng tỏi










 Ruộng tỏi nhìn từ đỉnh Thới Lới










 Lính đảo











                                                           Đi học hay đi làm về?




Ngày 22/2
 Buổi sáng, chuẩn bị rời đảo sớm vì hơn 7h tàu đã chạy. Thời gian không còn nhiều nhưng vẫn tranh thủ hỏi thăm và chạy ra cổng Tò vò, nơi mà ai đến Lý Sơn cũng chụp ảnh. Thực ra nó chỉ là một vòm đá nhỏ xíu màu đen nhô ra biển, nằm trên đường ra chùa Đục và trong một ngày không nắng, thủy triều thì lửng lơ không cao không thấp với những thứ ô uế xung quanh trông thật thảm. Thế mới biết ánh sáng và bố cục của tấm ảnh đã biến đổi cảnh quan đến dường nào.

             Bến tàu ở cuối đảo












                                                                     Cổng Tò vò



Tàu chạy. Hành lý được cộng thêm 3kg tỏi. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng, nhất là tỏi mồ côi. Gọi là mồ côi vì phần lớn một củ là một tép, không cậu dì anh em gì cả. Dân địa phương bảo loại này có vị thuốc nên đắt tiền, từ 500.000đ - 650.000đ/kg trong khi loại thường chỉ có 50.000/kg. Trị được bệnh gì thì nghe nhiều quá cũng quên tuốt nhưng vẫn rinh về, để gọi là một chút quà phương xa. Úi chà! Phượt mà còn quà là siêng quá rồi, may mà chuyến về biển lặng hơn nên không bị say sóng, nếu không chắc quà lại thành của nợ. 

Chia tay Lý Sơn không một chút luyến lưu. Sao thế nhỉ. Điểm chính của chuyến đi mà. Hay tại “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mà mụ có buồn đâu. Chỉ chán thôi!

Vượt thêm 23km nữa hai chị em về đến trung tâm Quảng Ngãi. Trời vẫn lạnh và mưa bụi. Không dám ăn sáng ở đảo, sợ lên tàu lại “ok thau” làm phiền người khác nên bụng hai đứa đói meo. Cũng gần 10giờ còn gì. Ghé vào một nhà hàng cạnh dòng sông Trà Khúc: Mít luộc trộn tép xúc bánh tráng, canh hến nấu rau muống nóng hổi, chim mía nướng trông ốm nhom ốm nhách và món cá bống sông Trà nổi tiếng. Ngon hay dở phó mặc cho chuyện hên sui nhưng cảnh quan chỗ này ngồi thiệt đã. Hai chị em ngồi trên cái chòi cao, gió thổi muốn bay chén dĩa. Nhìn hai hướng đều thấy cầu vì có cũ có mới và dưới kia là dòng sông Trà Khúc. Sông không đầy nước, không mượt mà uốn lượn, yên ả đến lười biếng, như đang ngái ngủ vì thiếu mặt trời. Thỉnh thoảng một chiếc độc mộc chèo qua. Lâu lâu lại có vài tiếng đập nước và tiếng trống để đuổi cá. Xa hơn nữa, tận cuối tầm mắt là một bãi ghe vắng khách…Không đẹp nhưng thật yên bình. Nếu có điều kiện mụ sẽ ở đây một thời gian để được sống chậm. 

Cầu Trà Khúc cũ






















 Xa xa là cầu Trà Khúc mới


Không qua được đảo Bé nên dư thời gian, hai đứa quyết định về Quảng Nam ghé Mỹ Sơn và tối sẽ nghỉ lại Hội An. Từ quốc lộ 1A vào đến Mỹ Sơn mất 30km. Trưa hơi nắng được một chút nhưng vẫn chưa đủ ấm. Mụ thấy buồn ngủ và đã chợp mắt mấy lần giữa đường. Mụ bị cảm lạnh rồi và đang đùa với chuyện không an toàn. Thằng em muốn dừng lại nhưng mụ sợ trễ nên cố trấn an. Haizz! Chỉ tại ngoan cố không trang bị cho đầy đủ đó thôi. Sức khỏe mụ đâu quá tệ vậy. Hay mụ thực sự già rồi?!

Mỹ Sơn chào khách với cái cổng màu cam tươi rói. Sau một loạt thủ tục hai chị em tay xách nách mang đi bộ vào trong. Khoảng 500m thì mụ quên cái chân máy. Quay trở lại thì soát vé bảo sao không chạy xe vào luôn vì còn xa lắm, khoảng 2 cây số nữa mới tới. Mụ muốn nổi điên vì những thông tin không rõ ràng. Bảng thì ghi là phải đi bộ qua cầu. Té ra là ghi cho mấy người ngồi xe khách. Chìa khóa xe thì thằng em giữ mà bây giờ thì nó đi trước chắc cũng gần một km rồi. May mà nó cũng nhanh trí thấy không ổn nên quay lại, cái chân đi đôi giày không phù hợp vì thế lại càng đau. Thật tội!






























































Khuôn viên Thánh địa Mỹ Sơn không lớn nhưng ở giữa núi rừng, cộng thêm lý lịch ghi rằng sinh vào khoảng thế kỷ thứ tư nên cũng có chút âm u, huyền hoặc. Mụ loanh quanh và thầm nghe lòng mình cảm nhận: Mụ không quan tâm đá gạch này làm bằng gì mà sao đến giờ này có cái đền vẫn còn nguyên cấu kiện kiến trúc. Mụ chỉ muốn biết những đau khổ và hạnh phúc ngày ấy ra sao…Đã bao nhiêu kiếp rồi và ai đang ở lại? Máu đã thấm trên hòn gạch nào và đâu là nước mắt? Mà mụ nghĩ thế để làm gì kia chứ? Đúng là lẩm cẩm!

Về đến Hội An thì đèn lồng đã rực rỡ khắp nhánh sông, khe quán. Mệt đừ người nhưng hai chị em vẫn vác máy đi phơi sau khi ăn tô phở đến buồn cười: nước phở nhạt nhẽo đến không còn nhớ có thịt gì trong đó. Thôi thì cứ bỏ chanh, bỏ ớt và mỗi đứa bỏ cả 5 cái nem Huế vào tô để ăn kèm. Một đống lá trên bàn và 2 cái tô sạch bách minh chứng cho chuyện khi đói thì cái tệ nhất cũng ngon, khi đói thì chẳng còn sức đâu lựa chọn. Mà sao chuyến này hai chị em bị đói hoài vậy? Oh! Tại nghe được cái vụ H5N1 nên chẳng dám ăn dọc đường. Nghe gà xứ Quảng ngon lắm cũng đành nhịn. 

Đêm Hội An lấp lánh một màu vàng, nó hút mắt nhìn và bắt người ta ngoảnh đầu lại. Vậy mà đi vòng thứ hai mụ đã thấy chán. Đèn lồng là một phần của Hội An thật nhưng có cần thiết sử dụng quá nhiều như thế không? Nó sáng choá quá nên làm nhòa nét cổ. Nó rực rỡ quá nên che mất sự kín đáo nhu mì. Nó đông người quá nên vỡ tan cái thinh lặng…Vài cái hoa đăng đang lấp lánh trên sông, nó cứ trôi theo dòng và không cần định hướng. Dù sống khoảng vài phút nó cũng làm đẹp mắt người, cũng chuyển tải được đôi điều tâm sự… Còn mụ thì sao nhỉ? Tự nhiên mụ thấy buồn và mất cả hứng sáng tác. Về ngủ thôi.

Đêm Hội An











 Chùa Cầu










 Mua hoa đăng thả sông làm phước cô ơi!











Ngày 23/2
 Trời xám xịt cho Hội An mưa. Cơn mưa không lớn nhưng khá dài, đủ để những chiếc lá bàng rụng đầy lối nhỏ. Lâm râm, lâm râm rồi khi khô khi tạnh. Nước đôi chỗ còn loang loáng trên đường, soi được cả những cái lồng đèn đang đong đưa theo gió. Ngõ vắng, chỉ vài bước chân qua. Mụ đi chầm chậm, tận hưởng cái trở mình của ô cửa cũ, mái vòm xưa, như đang tươi mới hơn sau cơn mưa buổi sáng. Uh! Như thế này mới là Hội An của mụ.






















 Mưa trên chùa Cầu















































Lang thang phố cổ












Một góc sông Hoài






















 Gợi nhớ cảng xưa rất xưa











 Tĩnh lặng










Buông câu, đuổi cá















Đến Hội An thì phải ăn Cao Lầu. Hai chị em lại hỏi thăm rồi vòng vòng tìm nơi ngon nhất. Mà ngon thật: miếng xá xíu thơm mềm trộn lẫn với sợi mì xứ Quảng, một ít đậu phộng, một ít bột hoành thánh chiên dòn và cuối cùng là một ít nước lèo đậm sánh. Chỉ thế thôi nhưng rất vừa ăn mà giá lại rẻ, chỉ có 20.000đ/tô. Nhưng điều mụ tò mò nhất ở đây chính là cô bán hàng. Cực kỳ chậm rãi. Cô sờ vào mọi thứ như sợ nó đau, nó móp. Khách không vắng nhưng ai cũng kiên nhẫn đợi. Có lẽ cô quá tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình và cũng có lẽ chưa bao giờ cô nghĩ sẽ vào Saigon buôn bán.

Chia tay Hội An! Men theo đường Cửa Đại hai chị em qua Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Mỹ Khê…rồi vào trung tâm Đà Nẵng. Con đường dọc theo ven biển vừa rộng vừa dài với những dãy Resorts tân kỳ hiện đại như lung linh hơn dưới cái nắng giữa trưa. Để phục vụ bao tử, mụ và thằng em quyết định ghé vào quán Bé Mặn sát biển theo linh tính của những đứa thích ăn ngon. Linh tính thật tốt! Ở đây, món ăn bạn phải tự đi chọn bởi vì con gì cũng sống: Ghẹ hấp đỏ ké, ốc hút đen thui xào ớt láng bóng, sò điệp nướng hành cháy cạnh…Cái chi cũng ngon! Chuyến đi này đúng là chỉ thành công về mặt ẩm thực.

Gần 14 giờ, chuyến bay delay. Lại đảo một vòng chụp cầu Đà Nẵng. Trời đã xanh hơn, mây nổi khối hơn…Chắc rằng còn nhiều cái để chụp ở đây nhưng thời gian hết rồi. Dịp khác vậy.

                                  Một đoạn cầu Nguyễn Văn Trỗi. Xa xa là cầu Rồng










                                                             Cầu Trần Thị Lý










                                                                   Cầu Rồng


Check in! Vào phòng chờ lại nghe delay lần nữa. Oải đến không muốn bực. Dựa lưng vào ghế người mụ như rã ra. Rất mêt! Cái lạnh như đeo bám lấy xương. Rất chán! Vì những điều mơ hồ không tên. Rất cáu kỉnh! Vì những điều không đáng. Đây là lần đầu tiên mà ngay khi bay trở về mụ không có kế hoạch cho một chuyến đi khác. Sao thế nhỉ? Già rồi hay không thể có được sự hưng phấn trong một cơ thể đang mỏi mệt? 

Dẫu thế nào thì vẫn phải cám ơn đời đã cho mụ chuyến đi, cám ơn thằng em đã cùng cười cùng mếu vượt nắng vượt gió làm tài, cám ơn ông trời đã ngủ suốt để mụ biết thế nào cái lạnh buốt răng và cám ơn cả những tấm hình nhợt nhạt, không rực rỡ vì thiếu nắng nhưng rất hợp với mụ lúc này. Xin cám ơn tất cả!