13/9
Chiều xuống thấp. Có lẽ đã muộn giờ nên phải chọn: hoặc thăm nhà vua Mèo rồi nghỉ đêm ở Đồng Văn hoặc rẽ vào Lũng Cú? Vào Lũng Cú thôi, để được ngắm nhìn đất trời ngay trên điểm cực bắc của Tổ quốc...Bàn với nhau là thế nhưng khi lên đến nơi thì làng xóm đã lên đèn, chỉ còn làm được mỗi việc ăn uống và nghỉ ngơi là hết. Muộn như thế là tội của mấy cái máy ảnh. Bọn nó cứ dại người cả ra trước bức tranh kỳ vỹ của thiên nhiên, rồi bắn rồi phá mà quên cả thời gian...Chưa hết đâu, còn hẹn năm sau trở lại cung đường này nữa đấy. Hic!
14/9
Lũng Cú là một xã thuộc huyện Đồng Văn và cách thị trấn khoảng 20 km. Ngoài dấu ấn đặc trưng của xã này là nơi đặt cột cờ với là cờ VN có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, quang cảnh Lũng Cú trong một sáng mờ sương cũng rất yên bình và lạ mắt.
Đứng trên đỉnh cao nhất của cột cờ, lặng nhìn những lớp núi xa xa mụ lại nhớ đến chuyện vua Quang Trung tặng trống cho vùng này. Mụ luôn yêu Quang Trung. Yêu nhất! Mụ đi một vòng, rồi lại một vòng trên đỉnh... Phải chăng nơi này từng in dấu chân ông? Nếu ông không đoản mệnh, non sông đất Việt có lẽ đã chẳng dừng ở đây...
Ruộng bậc thang trông thật ngộ nghĩnh khi nhìn từ trên cao
Nơi dựng cột cờ là đầu rồng và hai cái hồ nhỏ không bao giờ cạn nước này được ví như mắt rồng
Bí ẩn và mềm mại...
Đường lên cột cờ Lũng Cú
Rồi cũng phải rời Lũng Cú, nhóm theo đường mới đi một mạch xuống thị trấn Đồng Văn. Đường mới hay cũ thì cũng đều hấp dẫn như nhau: cũng núi đá, cũng ruộng bậc thang, cũng những khúc quanh ngoằn ngoèo...Nó lập đi lập lại, có vẻ giống nhau nhưng rất khác vì sương mai buổi sáng, nắng gắt buổi trưa, giọt mưa lác đác buổi chiều...Giống mà khác vì ánh sáng và mắt nhìn của dân nhiếp ảnh... Chả trách, đã đi rồi là muốn đi nữa. Xuôi Nam đã mấy ngày, thằng em bỗng bảo: Em mê Tây Bắc rồi, chị ơi!
Phố cổ Đồng Văn không như hình, mụ quét dọn nhiều lắm rồi đấy. Dây điện giăng đầy và rác mọi nơi là điểm nhấn cho cái phố cổ nhỏ xíu này. Chỉ có màu thời gian là thực: Những ngôi nhà ở đây có tuổi đời khoảng 100 năm, cá biệt cũng có ngôi nhà đã 200 năm và lối kiến trúc phần lớn mang dáng vẻ Trung Hoa
Chợ cổ hình chữ U với mái ngói âm dương
Những đứa trẻ Đồng Văn vô tình tạo dáng cho góc chợ và mụ vội vàng "bắt" lấy.
Phố cổ Đồng Văn lướt qua một vòng là hết. Chia tay bà chủ quán có tô phở to đùng và ly cà phê thơm lừng mùi "bắp", cả nhóm lại lên đường sang Mèo Vạc, nơi mà muốn đến đó nhóm phải đi qua con đèo nổi tiếng: Mã Pí Lèng
Mụ thực sự háo hức trước khi đến đây. Vì cảnh quan qua Net và vì những câu chuyện bi tráng như "...Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vỹ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc chín khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là dốc của Giàng. Chính nơi đây từng là giang sơn nơi vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn..."
Say đắm màu sắc của đất trời nhưng đừng quên núi cao, vực sâu...
Sông Nho Quế, cái tên không thể không nhắc khi nói đến Mã Pí Lèng. Tại sao vậy? Có lẽ vì nó là con sông duy nhất làm mát dịu lòng người khi vượt qua 20km đường đèo với toàn đá và một ít cây rừng.
Những cung đường "ngẩn ngơ". Mụ thích gọi như thế vì đứng ở những góc này mụ vội vội vàng vàng, mụ loay hoay không biết chụp cái gì trước cái gì sau và dù đã cố tình ghi thật sâu vào tiềm thức mụ vẫn thấy không đủ. Giống như khi nhìn những lớp núi xám và những đám mây xanh, trắng ở cổng trời Quản Bạ vậy, mụ chỉ muốn hét lên vì điều tuyệt vời của màu sắc và nét uốn lượn của cung đèo nhưng lại ngại hai thằng em bảo: Bà khùng!
Mụ thích mảng sáng của đoạn đèo này. Nó như đang chia sắc độ và ba cái chấm li ti đó là 3 cái xe của dân phượt. Lát nữa thôi, mụ cũng sẽ chạy qua vị trí đó để về Mèo Vạc. Đã thiệt!
Chỉ có vài điều hối tiếc khi rời Mã Pí Lèng: Trời hiền hòa quá nên núi đồi không nghiêng ngả. Trời trong xanh quá nên thiếu vắng màu sương. Đường đèo chẳng dài nên quay đi ngoảnh lại đã hết...Hay tại mụ đi không đúng thời điểm? Hay tại mụ đã qua Ô Qui Hồ? Mụ chẳng thể nào quên được gió ở đó, lồng lộng đến vẹo xiêu tay lái và mây thì liên tục đuổi xô nhau, tạo ra những mảng tối sáng trên đường đèo. Cái mảng trời thay nhau sáng tối ấy tạo cho mụ cảm giác không an toàn giữa núi cao, vực sâu nhưng Trời ạ lại căng đầy hấp dẫn... Nhớ! Ô Qui Hồ ơi!
Đi hết đèo Mã Pí Lèng là đến Mèo Vạc, đây cũng là một huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Trời đã gần trưa, không gian khá oi nồng và vẻ mặt Mèo Vạc mang một nỗi buồn huyện lỵ. Nó tẻ nhạt đến nỗi cả bọn quyết định về luôn Hà Giang trong ngày và đi qua đường Bắc Mê.
Bắc Mê! Nghe rất lạ tai nhưng đầy chất thơ giống như cung đường dẫn mụ đến đó: Núi không cao lắm chỉ đủ che bớt mặt trời, rừng không dầy lắm chỉ đủ tạo một thảm xanh ngăn ngắt và con sông Lô hiền hòa uốn lượn theo vết mụ đi, đi mãi cho đến Bắc Mê thơ mộng. Đây là một thị trấn nhỏ nhưng sạch sẽ và nếu không gấp về Hà Giang để chuẩn bị cho chuyến đi Khau Phạ ngày mai, mụ đã muốn ngủ một đêm ở nơi yên bình này.
Tắm sông! Mụ chưa từng và sẽ không bao giờ có được...Tuổi thơ ơi!
Nhìn cảnh mấy bé tắm sông có đứa không quần không áo lại nhớ hình ảnh kỳ cục mà dễ thương trên đoạn đường này: Hai bà mẹ người dân tộc dắt 2 đứa trẻ một trai một gái đi ngược chiều và cách nhau khoảng 5m. Chúng tầm 4 tuổi, đen đúa và chẳng một mảnh vải che thân. Họ đi nhanh như cố tình đụng vào nhau và trông rất cân xứng. Tiếc là máy ảnh không có sẵn trên tay chứ nội dung này đắt giá quá. Đặt tên cho nó là gì nhỉ? Thằng em bảo: Coi mắt! Hehehe!
Ở một góc nào đó hình như có hai ông lão đang ngồi đánh cờ và uống rượu...:-)
Giống như ở Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nhánh sông Lô ở khúc quanh này cũng có 2 màu...Giải thích sao đây?
Khói lam chiều! Đốt rẫy hay đang thổi nồi cơm thơm mùi gạo mới?
Sông Lô ngay trong lòng thị trấn. Một người bạn bảo: màu này và cảnh này là của nước ngoài. Sao thế nhỉ? Có thấy là do ít đi chưa? Cảnh sắc quê hương mình có thua kém ai đâu. Có khi còn hơn nữa đấy.
Tối sẫm. Cả bọn đã về đến Hà Giang. Vội tắm, vội ăn, vội trả xe để vội lên chuyến Hà Giang - Hà Nội lúc 21h. Xe lắc lư và giường nằm chật chội nên dù có mệt cũng chẳng ai ngủ được. Những lúc này sao thèm được ngồi trên chiếc xe 2 bánh thế. Mụ nghĩ thế rồi cười một mình. Bộ chưa đã sao? Từ Hà Giang đến Lũng Cú khoảng 200km. Đoạn về cũng khoảng đó mà toàn là đường đèo. Nhất là đoạn từ Mèo Vạc về, bình quân cứ 10 giây lại phải quanh một khúc cua chữ S, độ lệch từ 15-20 độ...Chưa đủ ê ẩm sao mà còn thèm? Phải công nhận 2 thằng em là những tay lái giỏi, lướt đèo ngọt xớt và mụ cũng khá dẻo dai trong chuyến đi này.
15/9
Hai giờ sáng! Đến ngã ba Đoan Hùng cả bọn lừ đừ xuống xe. Ghé vào một quán còn sáng đèn, biết được muốn đón xe đi Yên Bái phải chờ tới sáng. Chán chưa! Ngồi chờ sáng có mà rũ cả người. Mai lại còn phải leo đèo Khau Phạ nữa. Taxi! Đành có lỗi với Phượt vậy. Hic!
Yên Bái đây rồi! Lại tìm một cái nhà nghỉ gần bến xe cho đỡ mất thời gian. Ai da! Ngủ thôi, dù cái phòng còn hôi hơn cái tổ cú. Ngủ, ngủ, ngủ...
Tám giờ sáng! Kế hoạch nát bét! Không thuê được xe máy đi Khau Phạ, chỉ có xe ôm mà xe ôm thì chém đẹp. Chém cũng được nhưng chủ xe nói kiểu gia ơn nên không thèm đi nữa. Về! Lên núi rồi giờ thì xuống biển. Cũng thú vị mà!
Túm lại chuyến đi Tây Bắc kỳ này sao nhỉ? Cảnh quan vẫn là điểm 10 nhưng niềm vui thì không được như thế. Tại bảng kế hoạch buồn phiền chi đó nên nó nhảy múa lung tung. Một điều đáng tiếc khác là chẳng biết tí gì về sinh hoạt của người dân tộc hay thưởng thức những món ăn đặc trưng như mèn mén, thắng cố...Haizz! Cũng chẳng sao vì mọi cái rồi sẽ phai nhòa và mụ sẽ còn đi nữa. Chờ nhé, Tây Bắc ơi!
2 nhận xét:
Trời ơi, đi Mã Pí Lèng mà cứ kêu "Ôi, nhớ Ô Qui Hồ" là sao? Phụ nữ còn thế, chả trách mấy ông nằm với vợ tên Hồng mà cứ gọi Cúc... Kakaka
Tình đầu thường gây ấn tượng sâu nặng mà. Hehehe!
Đăng nhận xét